Phụng vụ Lời Chúa Tuần XIV Thường niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa

Để cùng với Giáo Hội cử hành PVLC Chúa Nhật 6/7/2025 và Tuần XIV Thường Niên,

trước hết chúng ta hãy đọc bài chia sẻ của ĐTGM Ngô Quang Kiệt cho  Chúa Nhật 6/7/2025,

sau đó chúng ta theo dõi PVLC cả tuần  XIV Thường niên ở những cái links đính kèm.

Chúa Nhật 14 Thường Niên

CHÚA SAI TÔI ĐI 

I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA

- Is 66,10-14

- Gl 6,14-18

Lc 10, 1-12.17-20

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lỡ mất cơ hội.

Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác.

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mỗi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”. 

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1- Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?

2- Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?

3- Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không?

4- Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa? 


Tuần XIV Thường Niên

 (xin bấm vào hàng chữ trên đây để theo dõi các bài chia sẻ PVLC và hạnh thánh trong tuần, nêu cần)

Chúa Nhật

Bình an Nước Trời - https://youtube.com/live/gqLkhXmX9iE

ChuaNhatXIV-C.2022.mp3 / https://youtu.be/xq_BUFl5Nek

DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinChuaNhatXIV.C.mp3 / https://youtu.be/ri85WALW09I

ThanhMariaGoretti.mp3 / https://youtu.be/QvpHtzV1iWs (6/7 - Chúa Nhật)

Các Di tích Thánh Maria Goretti  

Trong Tuần

TN.XIVL-2.mp3

TN.XIVL-3.mp3 (2018); TN-XIV.3.mp3 (2021) / https://youtu.be/ANa_UHY_-bI

TN.XIV-4.mp3

ThanhAugustinoTrieuVinhvaCacBanTuDaoTrungHoa.mp3 / https://youtu.be/3NegfYME9_o (9/7 - Thứ Tư)

TN.XIV-5.mp3

TN.XIVL-6.mp3 (2018) / TN.XIV-Thu.6.mp3 (2021)

 ThanhBenedict.mp3 / https://youtu.be/ECDkOPHn_Tc (11/7 - Thứ Sáu)

TN.XIV -7.mp3

0

SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

Một Giáo Hội dồi dào "sữa vinh quang" 

Mùa Thường Niên được chia ra làm 2 phần rõ ràng: phần đầu sau Mùa Giáng Sinh, ngắn hơn (tối đa là 9 tuần lễ) và phần cuối sau Mùa Phục Sinh, dài hơn (hơn 20 tuần lễ, cho tới tuần 34). Bởi thế, Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh bao giờ cũng còn mang âm hưởng và chiều hướng Giáng Sinh, theo chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), Đấng tỏ mình ra cho dân Do Thái sau khi Người lãnh nhận Phép Rửa (9 tuần đầu này theo Phúc Âm Marco cho ngày thường trong tuần). 

Còn Phụng Vụ Lời Chúa Hậu Phục Sinh, một mùa được kết thúc với Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, và Lễ Thánh Thần Hiện Xuống này đồng thời cũng là thời điểm mở màn cho Mùa Thường Niên tiếp ngay sau Mùa Phục Sinh. Bởi thế, Phụng Vụ Lời Chúa cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh phải tiếp tục âm hưởng của Mùa Phục Sinh là mùa phụng vụ có chủ để "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Do đó Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh cần phải tiếp tục chiều kích sự sống. 

Phải chăng chính vì thế mà ngay mấy tuần đầu của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, ngay cả Chúa Nhật Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, là thời điểm được Giáo Hội cố ý dùng để cử hành các mầu nhiệm sự sống thần linh, thứ tự như sau: Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống "là Đấng ban sự sống", sau đó tới Đại lễ Thiên Chúa Ba Ngôi là thực tại sự sống thần linh, rồi tới Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là bí tích sự sống, và sau cùng tới Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống thần linh. 

Sự sống thần linh này được thông ban cho chung nhân loại và cho riêng những ai tin tưởng nhận lãnh được xuất phát từ cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, một Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh, một Chúa Kitô Thăng Thiên và từ Cha sai Thánh Thần xuống trên Giáo Hội, một Giáo Hội đã được Người thiết lập, trước hết và trên hết, để làm "ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), phản chiếu Người chính "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), để "ai tin Tôi sẽ được ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12). 

Giáo Hội thực sự đã nhận biết căn tính của mình và sứ vụ của mình, hơn bao giờ hết, qua Công Đồng Chung Vaticanô II từ thập niên 1960, một Công Đồng Chung thứ 21 của Giáo Hội đã nhận mình là "Ánh sáng muôn dân - lumen gentium", với sứ vụ chiếu soi để có thể mang "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" đến cho thế giới ngay nay. Đó là hai nhan đề của 2 văn kiện quan trọng nhất và chính yếu nhất của Công Đồng về Giáo Hội: một Hiến chế Tín lý về bản tính của Giáo Hội, và một Hiến chế Mục vụ về sứ vụ tông đồ của Giáo Hội. 

Như thế, qua giòng lịch sử của mình, Giáo Hội càng ngày càng hiện thực hóa và ứng nghiệm hóa tất cả những gì Chúa Kitô Phục Sinh trước khi Thăng Thiên nhắn nhủ các vị tông đồ: "Các con sẽ nhận được quyền lực từ trên cao, và các con sẽ là thành phần chứng nhân của Thày cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8). Giáo Hội lữ hành đang hành trình tiến về tận điểm của thời cánh chung khi Chúa Kitô lại đến trong vinh quang, bằng chứng từ của Giáo Hội "là ánh sáng thế gian" chiếu soi cho những "ai tin Tôi sẽ được ánh sáng sự sống"! 

Đúng thế, chủ đề của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh đó là "ai tin Tôi sẽ được ánh sáng sự sống" qua chứng từ của Giáo Hội Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian". Và vì thế chúng ta mới thấy được ý nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa, nhất là cho các Chúa Nhật Thường Niên hậu Phục Sinh, trong thời điểm của mùa phụng vụ hậu Phục Sinh cho tới hết tuần lễ cuối cùng với lễ Lễ Chúa Kitô ở Chúa Nhật 34 Thường Niên. Điển hình nhất là phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật 14 Thường Niên của Năm C hôm nay. 

Đúng thế, bài Phúc Âm hôm này của Thánh Luca thuật lại biến cố Chúa Kitô sai 72 môn đệ "đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới". Vẫn biết vào lúc ấy thì 72 môn đệ được sai đi trước Chúa Kitô là để dọn đường cho Người, nhờ đó dân chúng dễ nhận biết Người hơn khi Người đến với họ, nhưng sự kiện này mang một ý nghĩa đích thực và sâu xa đó là vai trò của thành phần chứng nhân dọc lịch sử của Giáo Hội loan báo Chúa Kitô bao giờ cũng là thành phần mang Chúa Kitô tới cho thế giới, nhờ đó họ có thể nhận biết Người. 

Muốn đạt được mục đích dọn đường cho Chúa Kitô tới với chung thế giới và riêng những ai đang khao khát tìm kiếm chân thiện mỹ, thành phần chứng nhân của Chúa Kitô cần phải sống làm sao phản ảnh Đấng "cáo có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu", như Người đã đáp lời một trong 3 kẻ ngỏ ý muốn theo Người ở bài Phúc Âm Chúa Nhật XIII Năm C. Và đó là lý do trong bài Phúc Âm sai đi hôm nay, Người đã căn dặn 72 môn đệ rằng: "Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường". 

Thái độ và tư cách chứng nhân của thành phần 72 môn đệ được Chúa Kitô sai đi rao giảng "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi" là chính Chúa Kitô đây bao gồm cả 2 khía cạnh hay hai lãnh vực, cả về vật chất là "đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép", lẫn tình cảm tự nhiên là "đừng chào hỏi ai dọc đường", bởi vì, nếu "con cái thế gian khôn lanh hơn con cái sự sáng" (Luca 16:8), thì trong vấn đề giao tiếp trần gian các vị có thể sẽ dễ dàng trở thành "như con chiên ở giữa sói rừng". 

Tuy nhiên, chính nhờ đời sống chứng nhân tự khắc khổ và chịu đau khổ gây ra bởi "sói rừng" như thế mà họ mới càng chứng thực họ là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, được nên giống Thày mình hơn ai hết và hơn lúc nào hết, đến độ họ trở thành như một Alter Christus - một Chúa Kitô Khác, nhờ đó mọi người sẽ nhận biết Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" chiếu tỏa qua họ, như vị tông đồ dân ngoại trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta". 

Bài Đọc 1hôm nay ám chỉ về thành phần chứng nhân trung thực và sống động của Chúa Kitô như một tông đồ Phaolô của Bài Đọc 2 hôm nay, thành phần đã mang lại cho Giáo Hội, được tiêu biểu nơi Giêrusalem xưa, những điều được Chúa tiên báo rằng: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi". 

Bài Đọc 1 còn ám chỉ về chính bản thân của thành phần chứng nhân chân chính của Giáo Hội đã trải qua gian nan khốn khó vì Giáo Hội được coi là một tân Giêrusalem rằng: "Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó". Chính vì, cũng theo Bài Đọc 1 hôm nay: "Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa", mà Bài Đáp Ca hôm nay mới vang lên những tâm tình tràn đầy hoan hỉ và tri ân cảm tạ của "toàn thể đất nước", củanhững "ai tôn sợ Chúa" như sau: 

1) Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.

4) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.